Theo thống kê tại Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX), chỉ riêng tháng vừa qua đã có tổng cộng 22 đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp, huy động 25.255 tỉ đồng, trong đó nhóm ngân hàng và bất động sản chiếm hơn 93%.
Theo đó, quán quân phát hành thuộc về nhóm ngân hàng với 12 mã trái phiếu được tung ra, huy động về 15.285 tỉ đồng.
Ngân hàng Á Châu - ACB là đơn vị huy động tổng số tiền lớn nhất (9.000 tỉ đồng), xếp thứ nhì là Ngân hàng ABBank (3.000 tỉ đồng), còn lại là các ngân hàng MSB, OCB, BIDV, VietinBank, Bắc Á và HDBank.
Nhóm bất động sản đứng vị trí á quân trong việc phát hành trái phiếu, với bốn mã được chào bán, huy động 8.270 tỉ đồng, thuộc các doanh nghiệp: Phú Thọ Land, Bất động sản Lan Việt, Đầu tư nhà ở xã hội Thuận Thành, Đầu tư kinh doanh bất động sản Liên Lập.
Trong danh sách trên, bất động sản Thuận Thành là gương mặt đáng chú ý, khi phát hành thành công lô trái phiếu có giá trị 800 tỉ đồng, cao gần gấp 4 vốn điều lệ doanh nghiệp.
Hãng hàng không giá rẻ Vietjet là doanh nghiệp duy nhất thuộc khối ngành khác - vận tải có phát hành trong tháng qua, huy động tổng cộng 1.700 tỉ đồng thông qua sáu đợt chào bán trái phiếu.
So về lãi suất, nhóm ngân hàng đưa ra mức lãi từ 6,4-7,7%/năm.
Trong khi đó nhóm bất động sản có phần vượt trội hơn, dao động từ 10,5-14%/năm. Riêng Vietjet chào mức lãi 12%/năm.
Lũy kế từ đầu năm đến nay, tổng giá trị phát hành trái phiếu đạt hơn 130.360 tỉ đồng, trong đó riêng phát hành theo hình thức riêng lẻ đã chiếm khoảng 87%, còn lại là phát hành ra công chúng.
Các đợt phát hành chủ yếu có kỳ hạn từ 3-5 năm.
Theo kế hoạch, năm nay nhiều ngân hàng đã thông qua phương án phát hành riêng lẻ. Chẳng hạn, Ngân hàng An Bình (ABBank) muốn phát hành tổng cộng 6.000 tỉ đồng trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền, không có tài sản đảm bảo, kỳ hạn từ 1-5 năm, lãi suất cố định, thả nổi hoặc kết hợp, tùy theo điều kiện thị trường.
Hay Ngân hàng Bưu điện Liên Việt (LPBank) cũng có kế hoạch huy động tối đa 10.000 tỉ đồng từ trái phiếu phát hành riêng lẻ.
Dự kiến vào tháng này và tháng 10 tới, ngân hàng sẽ phát hành năm đợt để huy động 4.500 tỉ đồng. Đây cũng là các trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền, không có tài sản bảo đảm, kỳ hạn từ 2 - 3 năm...
Theo dữ liệu của Hiệp hội thị trường trái phiếu Việt Nam, tổng giá trị trái phiếu đã được các doanh nghiệp mua lại trước hạn lũy kế từ đầu năm đến nay đạt xấp xỉ 154.350 tỉ đồng, tăng 80% so với cùng kỳ năm trước. Ngân hàng là nhóm ngành dẫn đầu về giá trị mua lại, chiếm hơn 51% tổng giá trị mua lại trước hạn.
Áp lực trả nợ trái phiếu vẫn đè nặng lên các doanh nghiệp. Khi ở phần còn lại của năm 2023, tổng giá trị trái phiếu sẽ đến hạn nằm mức hơn 115.800 tỉ đồng.
Trong đó có tới 48% giá trị trái phiếu sắp đáo hạn thuộc nhóm bất động sản, theo sau là nhóm ngân hàng với gần 20%.
Nhằm tăng tính minh bạch, hỗ trợ thanh khoản thị trường, mới đây sàn giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ cũng được ra mắt, từ đó các nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp dễ dàng theo dõi thông tin hơn và dễ giao dịch hơn.
TS Nguyễn Hữu Huân - trưởng bộ môn thị trường tài chính, Trường đại học Kinh tế TP.HCM - cho biết trái phiếu vốn được xem là kênh huy động vốn quan trọng để doanh nghiệp không bị phụ thuộc vào dòng vốn vay ngân hàng.
Tuy nhiên thời gian qua nảy sinh nhiều bất cập, khiến thị trường này trở nên rủi ro. Để thị trường trái phiếu hồi phục thật sự, cần phải xử lý cuộc khủng hoảng niềm tin, điển hình là việc thanh toán gốc và lãi trái phiếu cho nhà đầu tư.
Theo nhiều chuyên gia, việc ngân hàng nỗ lực phát hành trái phiếu mới trong thời gian gần đây nhằm mục đích đảm bảo tỉ lệ an toàn vốn, cũng như bổ sung nguồn vốn để kịp thời đáp ứng nhu cầu cho khách hàng cá nhân và doanh nghiệp vay, đặc biệt vào thời điểm cuối năm.
Để trái phiếu được an toàn, một trong những điều quan trọng là ngân hàng và các doanh nghiệp phải sử dụng vốn đúng mục đích đã nêu khi phát hành trái phiếu.
Bông Mai
Theo Tuoitre.vn
Quý khách điền thông tin bên dưới chúng tôi sẽ liên hệ trong thời gian sớm nhất