Thành phố Thủ Đức là đô thị sáng tạo - tương tác cao ở phía Đông; Cần Giờ là đô thị sinh thái biển; khu đô thị phía Nam với Phú Mỹ Hưng là trung tâm; khu đô thị Tây Nam (Bình Chánh) là cửa ngõ với đồng bằng sông Cửu Long và khu đô thị Tây Bắc là cửa ngõ kết nối với Bình Dương, Tây Ninh, Campuchia.
5 khu đô thị trên sẽ được cập nhật vào vào Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng TPHCM đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060, giúp giảm tải cho khu trung tâm hiện hữu, mở ra không gian phát triển mới.
Những điều 25 năm chưa làm được
Phát triển TPHCM theo hướng đô thị vệ tinh là mục tiêu mà thành phố đã theo đuổi suốt 25 năm nay. Mô hình tập trung - đa cực từ năm 1998 lấy nội thành làm khu vực trung tâm với bán kính 15 km và thiết kế 4 cực phát triển. Theo đó, khu vực trung tâm hiện hữu (930 ha) gồm: Quận 1, 3, 4, Bình Thạnh.
4 hướng phát triển gồm hướng chính phía Đông là thành phố Thủ Đức hiện nay (khu đô thị sáng tạo - tương tác cao phía đông); hướng chính phía Nam là quận 4, 7, 8, huyện Nhà Bè, huyện Cần Giờ; hướng phụ phía Tây Bắc là Quận 12, huyện Hóc Môn, Củ Chi; hướng phụ phía Tây - Tây Nam là một phần Quận 7, 8, và huyện Bình Chánh.
Tuy nhiên, thực trạng hiện nay cho thấy ngoài khu nội thành cũ là trung tâm hiện hữu, các khu vực kế cận phát triển theo kiểu "vết dầu loang", chưa hình thành được cực phát triển tại các hướng.
Trong đó, hướng chính phía Đông chưa hình thành được các khu đô thị quy mô lớn, đồng bộ. Thực tế, các dự án đầu tư quy mô nhỏ, vị trí phân tán, số lượng nhiều làm ảnh hưởng lớn tới việc nối kết hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội.
Tại hướng chính phía Nam, hạ tầng dọc tuyến đường chính Nguyễn Hữu Thọ cơ bản hoàn chỉnh. Các dự án phát triển dọc theo tuyến này tập trung trong ranh khu Nam, kéo dài đến khu lân cận. Dù hướng này có xu hướng phát triển nhưng vẫn chậm. Cụ thể, Khu đô thị Hiệp Phước từ khi đồ án quy hoạch chung được duyệt đến nay vẫn chưa hoàn thành đồ án quy hoạch phân khu 1/2.000.
Còn ở hướng phụ phía Tây Bắc với cực phát triển là Khu đô thị Tây Bắc, mặc dù quy hoạch chung và quy hoạch phân khu 1/2.000 đã phủ kín, các dự án khu đô thị, khu dân cư rất chậm hoặc không triển khai. Ví dụ như khu dân cư (KDC) đô thị Tân Thới Nhì và KDC đô thị Tây Hiệp, KĐT Đại học Quốc tế Việt Nam (VIUT), KĐT sinh thái Quận 12.
Hướng phụ phía Tây - Tây Nam, các trục giao thông chính theo hướng Bắc Nam của TPHCM và vành đai chưa được kết nối, đầu tư hoàn chỉnh.
Phát triển 5 đô thị vệ tinh theo mô hình TOD
Với thực trạng trên, trong lần điều chỉnh quy hoạch sắp tới, thay vì phát triển TPHCM theo 2 hướng chính và 2 hướng phụ như trước đây, TPHCM định hướng cân bằng cả 4 hướng - Đông, Nam, Tây Bắc và Tây Nam.
Bên cạnh đó, 5 huyện ngoại thành (Hóc Môn, Củ Chi, Bình Chánh, Nhà Bè, Cần Giờ) được định hướng nâng cấp thành quận hoặc thành phố.
TPHCM là đô thị đa trung tâm với định hướng phát triển giao thông công cộng (TOD), từng bước giảm dần áp lực tại khu trung tâm, hướng đến hình thành và phát triển các khu đô thị “vệ tinh”, gắn với chức năng đô thị nổi trội trong tổng thể TPHCM và vùng đô thị.
5 khu đô thị vệ tinh gồm: thành phố Thủ Đức là đô thị thông minh, sáng tạo, tương tác cao phía Đông; Cần Giờ là đô thị sinh thái, cửa ngõ giao thương với quốc tế bằng đường biển; Khu đô thị phía Nam với với Phú Mỹ Hưng là trung tâm; Khu đô thị Tây Nam là cửa ngõ kết nối với miền Tây; Khu đô thị Tây Bắc là cửa ngõ kết nối với Bình Dương, Tây Ninh, Campuchia.
Ngày 26.8, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên và Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi đã đi trực thăng khảo sát từ trên cao phục vụ việc lập các quy hoạch TPHCM.
Chia sẻ với báo chí sau chuyến khảo sát, ông Phan Văn Mãi cho biết, việc phân bổ, bố trí sử dụng đất còn nhiều bất cập, kém hiệu quả, nhiều nơi "da beo" đan xen. Điều này đặt ra những vấn đề cho công tác quy hoạch thời gian tới, cần cấu trúc lại khu sản xuất, khu dân cư, phát huy tối đa hiệu quả sử dụng đất.
Chủ tịch UBND TPHCM cho biết việc phát triển đô thị gắn với mô hình TOD. Sau khi Nghị quyết 98 được Quốc hội ban hành, TPHCM đã rà soát các không gian dọc tuyến Vành đai 2, 3, tuyến Metro số 1, 2, các trục đường cao tốc. Qua đó, địa phương thấy rất nhiều không gian để phát triển mô hình TOD.
"Đây là các lõi trung tâm của đô thị TPHCM trong tương lai. Chúng tôi nhận thấy tiềm năng rất lớn để vừa khai thác phát triển quỹ đất, vừa cấu trúc lại mô hình đô thị đa trung tâm của thành phố" - ông Mãi nói.
MINH QUÂN
Theo Laodong.vn
Quý khách điền thông tin bên dưới chúng tôi sẽ liên hệ trong thời gian sớm nhất